Ngắn mạch là hiện tượng thường gặp trong hệ thống điện và gây ra những thiệt hại nhất định. Vậy ngắn mạch là gì? Nguyên nhân và cách hạn chế hiện tượng này như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây.
Ngắn mạch là gì?
Ngắn mạch hay đoản mạch, chập điện là hiện tượng dòng điện đi theo một con đường ngoài ý muốn mà trở kháng không có hoặc cực thấp. Khi đó, cường độ dòng điện cực lớn chạy qua mạch dẫn đến hỏng mạch, quá điện, cháy nổ.
Ngoài ra, ngắn mạch còn xuất hiện khi dây nóng của nguồn điện tiếp xúc trực tiếp với dây trung tính. Khi đó, dòng điện tăng cao và đi theo một hướng khác. Hiện tượng này thường được gọi là chập điện.
Khi bị đoản mạch sẽ thường gây ra tiếng nổ, tiếng chập điện lớn. Hiện tượng ngắn mạch có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt như hư hỏng thiết bị điện một phần hoặc toàn bộ hệ thống. Những hậu quả lớn hơn có thể gây cháy nổ và nhiều thiệt hại khác.
Nguyên nhân dẫn đến ngắn mạch
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hiện tượng đoản mạch. Việc nắm được những nguyên nhân này sẽ giúp bạn có cách để phòng tránh hiệu quả.
- Dây điện bị hở làm cho dây nóng chạm vào dây trung tính dẫn đến ngắn mạch.
- Thiết bị điện bị quá tải làm cho mạch điện không đáp ứng gây ra đoản mạch.
- Nguồn điện bị hở, môi trường ẩm ướt dẫn điện khiến cho chập điện.
- Cách điện bị hỏng
- Do tác động của thiên tai như mưa bão gây đổ cột điện làm dây chập, sét đánh gây phóng điện.
- Dòng điện tăng đột ngột bất thường gây tia lửa điện, chập cháy.
Những nguyên nhân trên đều dẫn đến việc chập điện nên bạn cần chú ý sử dụng điện đúng cách để hạn chế sự cố không mong muốn.
Tác hại của ngắn mạch
Thời gian diễn ra đoản mạch chỉ diễn ra rất ngắn, khoảng một phần nghìn giây nhưng tạo ra dòng điện lớn hàng nghìn lần so với dòng điện thông thường. Điều này gây ra những tác hại đến cả thiết bị điện và người sử dụng, cụ thể là:
- Hiện tượng đoản mạch phát sinh lượng nhiệt cực lớn nên dễ gây cháy nổ.
- Làm nóng chảy, biến dạng và hư hỏng các thiết bị điện
- Gây sụt áp lưới điện, thiết bị ngừng hoạt động nên ảnh hưởng không tốt tới hoạt động sản xuất.
- Cháy nổ gây nguy hiểm đến người dùng và thiệt hại những tài sản khác.
- Đối với máy phát điện, hiện tượng ngắn mạch dẫn đến máy bị mất công suất, mất điện đồng bộ.
Rõ ràng, hiện tượng ngắn mạch ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của hệ thống và thiết bị điện. Đồng thời, còn gây nguy hiểm đến con người.
Các loại ngắn mạch phổ biến
Chúng ta có dòng điện 1 pha và 3 pha và có các loại ngắn mạch như sau:
- Ngắn mạch 1 pha chạm đất: Một pha chập đất hoặc bị chập vào dây trung tính gây nên đoản mạch.
- Ngắn mạch 3 pha: 3 pha chập với nhau gây nên cháy nổ, đây là loại ngắn mạch gây nguy hiểm nặng nề nhất.
- Ngắn mạch hai pha: 2ai pha chập nhau.
- Ngắn mạch hai pha chạm đất: 2 pha đồng thời chạm xuống đất.
Cách phòng tránh hiện tượng đoản mạch
Rõ ràng, hiện tượng ngắn mạch gây ra những tác hại không tốt. Bởi vậy, chúng ta cần có biện pháp phòng tránh để hạn chế tối đa khả năng hiện tượng này xảy ra.
- Mỗi thiết bị điện nên dùng công tắc riêng để tránh gây hư hỏng hàng loạt khi bị ngắn mạch ở một vị trí nào đó.
- Khi không sử dụng hãy rút phía cắm, ngắt công tắc điện.
- Chọn loại dây dẫn có tiết diện phù hợp với tải để đảm bảo khả năng cấp nguồn.
- Nên lắp đặt các thiết bị tự ngắt để bảo vệ mạch điện như aptomat, cầu chì. Trong đó, aptomat là thiết bị chống ngắn mạch hiệu quả và đang được sử dụng rất phổ biến.
Trên đây là những thông tin về hiện tượng ngắn mạch và cách phòng tránh. Mong rằng, qua bài viết sẽ giúp bạn có phương pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng chập điện và sử dụng điện an toàn hơn.