Môi trường sống là gì? Môi trường sống là yếu tố quyết định rất lớn tới sự hình thành, sinh trưởng và phát triển của mọi sinh vật trên trái đất, trong đó có con người. Đây là một khái niệm khá quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó.
Môi trường sống là gì, phân loại và vai trò của môi trường sống như thế nào sẽ được Điện tử sáng tạo VN tổng hợp và gửi đến bạn đọc trong nội dung dưới đây.
Tìm hiểu môi trường sống là gì?
Môi trường sống là một khái niệm rộng, dùng để chỉ nơi tồn tại và phát triển của tất cả các sinh vật trên Trái Đất. Môi trường sống có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh trưởng và phát triển của tất cả các loài động, thực vật, vi sinh vật và cả con người.
Đối với con người, môi trường sống chính là không gian xung quanh con người, bao gồm tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất, nước, không khí, ánh sáng và những phế thải con người tạo ra trong suốt quá trình sinh hoạt và sản xuất hàng ngày.
Phân loại môi trường sống
Môi trường sống được phân thành 2 loại là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội:
Môi trường tự nhiên
Môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố lý – hóa – sinh tồn tại ngoài ý muốn của con người. Môi trường tự nhiên có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người, nó giúp cung cấp đất để trồng trọt, sinh sống, xây dựng nhà cửa, cung cấp không khí để hít thở, cung cấp nước để ăn uống, cung cấp khoáng sản cho sản xuất,…
Trên thực tế, các yếu tố tự nhiên cũng không hoàn toàn là “tự nhiên” bởi ít nhiều các yếu tố này cũng có sự tác động của con người.
Môi trường tự nhiên được phân chia thành 4 loại riêng biệt, bao gồm:
- Môi trường trên cạn: Là môi trường gồm đồng bằng, đồi núi, khí quyển,… có nhiều sinh vật sinh sống nhất (động vật, con người, thực vật).
- Môi trường sinh vật: Thường là cơ thể sống của các loài động vật như lông của chó là môi trường sống cho rận, ruột là môi trường sống cho các loại giun sán,…
- Môi trường dưới nước: Gồm nước ngọt, nước mặn, nước lợ,… là môi trường sống cho các động vật thủy sinh như cá, tôm, cua, ốc,…
- Môi trường dưới đất: Gồm đất, cát, sỏi, đá,… là nơi trú ngụ cho giun, kiến, dế mèn, tê tê, chuột,…
Môi trường xã hội
Môi trường xã hội được định nghĩa là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với nhau, bao gồm các quy định, luật lệ, thể chế, cam kết, ước định, hiệp ước,… với các cơ quan như: gia đình, dòng họ, làng xóm, xã, huyện, tỉnh, vùng miền, quốc gia, khu vực, các hiệp hội,…
Môi trường xã hội giúp điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của con người sống đúng đạo đức, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Vai trò của môi trường sống
Có thể nói, môi trường sống chính là yếu tố quan trọng quyết định lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của muôn loài:
- Cung cấp tài nguyên
Môi trường sống giúp cung cấp tài nguyên trong đời sống và hoạt động sản xuất cho con người: đất để trồng lúa, rừng để cung cấp gỗ, bảo vệ hệ sinh thái, biển để cung cấp hải sản, động vật và thực vật để cung cấp nguồn lương thực dồi dào, không khí, ánh sáng và gió để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng.
- Chứa đựng phế thải
Môi trường không chỉ cung cấp tài nguyên mà còn là nơi chứa đựng rác thải, nước thải mà con người tạo ra.
Có những chất có thể được phân hủy dưới sự tác động của môi trường tự nhiên, nhưng cũng có những chất rất khó, hoặc gần như không thể phân hủy trong môi trường tự nhiên và gây hại cho môi trường.
- Lưu trữ và cung cấp thông tin
Môi trường là nơi ghi chép lại lịch sử tiến hóa của các loài động, thực vật trên trái đất, lịch sử của từng vùng đất, từng quốc gia. Đồng thời, nó cũng cung cấp những dấu hiệu báo động những hiểm họa đối với con người (bão lũ, núi lửa, động đất,..)
Đồng thời, nó cũng giúp lưu trữ các tôn giáo, văn hóa, vẻ đẹp tự nhiên, nhân tạo, nguồn gen của muôn loài để duy trì tới các thế hệ sau.
- Bảo vệ con người khỏi tác động xấu
Môi trường sống có thể bảo vệ con người khỏi những tác động xấu từ tự nhiên như: tầng ozon như một màng bảo vệ giúp hạn chế tia cực tím tiếp xúc với cơ thể người (nguyên nhân gây ung thư da); rừng bảo vệ con người khỏi hiện tượng cát chảy, cát bay, ngăn lũ quét, sạt lở đất,…
Cần làm gì để bảo vệ môi trường sống
Dưới tác động của bùng nổ dân số, sự phát triển công nghiệp đang dần khiến cho môi trường sống bị suy thoái. Những dấu hiệu rõ rệt đang thể hiện ngày một rõ rệt hơn trước mắt chúng ta: hiện tượng thời tiết cực đoan, nóng lạnh thất thường, băng tan ở hai cực tan nhanh, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tới sức khỏe, bụi mịn tới mức báo động đỏ,…
Tất cả đều đang có những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người và cũng là một bài toán rất khó giải quyết, đặt ra nhiều thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Vậy chúng ta có thể làm gì để bảo vệ môi trường sống?
- Xử lý hiệu quả rác thải, nước thải trước khi xả thải ra môi trường.
- Hạn chế sử dụng túi nilon và đồ dùng nhựa, thay vào đó là sử dụng các loại đồ dùng làm từ nguyên liệu có thể tái chế (hoặc có thể phân hủy) như giấy, inox, thủy tinh,…
- Trong hoạt động nông nghiệp, thay thế việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ hóa học bằng thuốc diệt cỏ sinh học, sử dụng phân bón đúng liều lượng để không gây ảnh hưởng tới chất lượng đất và nước.
- Sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường hoặc phương tiện công cộng như xe đạp, xe bus, tàu điện, xe điện,…
- Sử dụng các năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay vì năng lượng điện tới từ nhiệt điện để giảm lượng khí thải và nhiên liệu tiêu thụ.
- Các cơ quan chức năng và mỗi quốc gia cũng phải có những quy định, chế tài xử phạt cụ thể về những vi phạm trong việc xử lý rác thải.
Môi trường bị ô nhiễm cũng là lúc cuộc sống, sức khỏe của con người bị đe dọa. Chính vì thế, hãy cùng chúng tôi chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ các thế hệ sau!