Aptomat chống giật giúp tăng cường sự an toàn cho hệ thống điện và những thành viên trong gia đình bạn. Vậy sản phẩm này có cấu tạo như thế nào và nguyên lý hoạt động ra sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
Aptomat chống giật là gì?
Aptomat chống giật còn được gọi là CB chống giật, Át chống giật, Aptomat chống dòng rò, cầu dao chống dòng rò… Đây là một trong những thiết bị điện được lắp đặt phổ biến hiện nay.
CB chống giật cũng tương tự như Aptomat thường, tuy nhiên nó có thêm chức năng ngắt điện khi có dòng rò xuống đất hoặc khi có người bị điện giật. Bên cạnh đó, loại Aptomat chống giật ELCB, RCBO còn có chức năng bảo vệ quá tải tương tự như aptomat thường. Trong khi loại RCCB chỉ có chức năng chống dòng rò và sẽ cần phải kết hợp với MCB để bảo vệ quá tải. Như vậy, ta có sự kết hợp RCCB + MCB = RCBO.
Aptomat chống giật được phân loại như sau:
- Aptomat chống giật dạng tép RCCB (Residual Current Circuit Breaker).
- Aptomat chống giật dạng khối có bảo vệ quá tải ELCB (Earth Leakage Circuit Breaker).
- Aptomat chống giật dạng tép có bảo vệ quá tải RCBO (Residual Circuit Breaker with Overcurrent protection).
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của CB chống giật
Aptomat chống giật cho 1 pha
Cho 2 dây mát và lửa đi qua 1 biến dòng có lõi sắt hình xuyến. Từ đó tạo ra 1 cái biến thế lõi xuyến thông thường với cuộn sơ cấp 1 vòng dây và cuộn thứ cấp có vài chục vòng dây. Khi đó, dòng điện đi ra ở dây nóng về ở dây mát và ngược lại là ra dây mát về dây nóng. 2 dòng điện này ngược chiều nhau sinh ra từ trường biến thiên trong lõi sắt của biến dòng là ngược chiều nhau.
Trong trường hợp 2 dòng điện này bằng nhau, 2 từ trường biến thiên sẽ triệt tiêu nhau làm điện áp ra của cuộn thứ cấp biến dòng = 0. Nếu điện áp qua 2 dây bị rò, dòng điện trên 2 dây khác nhau, hai từ trường biến thiên sinh ra trong lõi sắt khác nhau làm xuất hiện dòng điện cảm ứng trên cuộn thứ cấp của biến dòng, dòng điện này được đưa vào IC để kiểm tra xem có lớn hơn dòng rò an toàn không? Nếu lớn hơn một giá trị, ví dụ là 15mA thì IC sẽ cấp điện cho Triac cấp điện cho cuộn hút của Aptomat.
Để phát hiện dòng rò lớn vài trăm mA thì không cần dùng đến IC bởi khi sử dụng IC sẽ phức tạp và chi phí cao mà dùng ngay lực điện từ tạo ra khi có dòng điện chạy trong cuộn dây để đóng ngắt aptomat chống giật.
Aptomat chống giật cho điện 3 pha 3 dây
Loại CB chống giật dùng cho điện 3 pha cũng tương tự như trên với cấu tạo có 3 dây pha đi qua tâm biến dòng.
Aptomat chống giật cho điện 3 pha 4 dây
Tương tự như trên với 3 dây pha và dây trung tính đi qua tâm biến dòng.
Thông số kỹ thuật của Aptomat chống giật
Như đã nói ở trên, Aptomat chống giật chia ra 2 loại: Loại chỉ có chức năng chống giật (RCCB) và loại có thêm chức năng bảo vệ quá tải (RCBO, ELCB). Tùy theo từng loại mà có đầy đủ hoặc một số thông số kỹ thuật sau:
- In: Dòng điện định mức của aptomat
- Dòng rò: CB chống giật thường được chế tạo với dòng rò cố định ở mức 15mA, 30mA hoặc dòng rò điều chỉnh được với các mức 100mA, 200mA, 300mA, 500mA. Khi dòng rò vượt quá thông số này thì aptomat chống giật sẽ tác động.
- Ue: Điện áp làm việc định mức của Aptomat
- Icw: Khả năng chịu dòng ngắn mạch trong 1 đơn vị thời gian.
- Icu: Dòng cắt ngắn mạch là khả năng chịu đựng dòng điện lớn nhất của tiếp điểm trong 1 giây.
- Ics: Khả năng cắt thực tế khi xảy ra sự cố của thiết bị. Thông số này phụ thuộc vào từng nhà sản xuất dựa theo công nghệ chế tạo.
- AT: Ampe Trip là dòng điện tác động.
- AF: Ampe Frame là dòng điện khung. Thông số AT/AF cho biết độ bền của tiếp điểm đóng cắt. Ví dụ NV250-SV 3P 200A 36kA 30mA và NV250-SV 3P 250A 36kA 30mA đều có AF = 250A nhưng một cái sẽ tác động khi dòng vượt quá AT = 200A, một cái sẽ tác động khi dòng vượt quá AT = 250A.
- Mechanical / electrical endurance: Số lần đóng cắt cơ khí cho phép/số lần đóng cắt điện cho phép.
Đặc điểm về hình dáng của Aptomat chống giật
Aptomat chống giật có hình dáng tương tự Aptomat thường nhưng sẽ có kích thước bằng hoặc to hơn 1 chút.
Bên cạnh cần gạt ON-OFF, Aptomat chống giật còn có thêm 1 nút TEST bên cạnh để kiểm tra xem Aptomat có làm việc tốt không.
Bên ngoài Aptomat chống giật có ghi các thông số: Điện áp, dòng tải, thời gian tác động và dòng rò. Thông thường có các ngưỡng dòng rò của Aptomat chống giật là 15mA, 30mA, 100mA, 200mA, 300mA, 500mA.
Những lưu ý khi chọn mua Aptomat chống giật
Khi lựa chọn và mua CB chống giật cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chọn loại Aptomat chống giật
Aptomat chống giật RCBO, ELCB có chức năng bảo vệ quá tải và có thể dùng thay thế aptomat thường. Tuy nhiên, do cấu tạo phức tạp hơn nên loại này thường có dòng cắt ngắn mạch thấp. Vì vậy, sử dụng RCBO, ELCB sau aptomat thường sẽ là lựa chọn phù hợp giúp bảo vệ hệ thống điện tốt hơn. Đối với Aptomat chỉ có chức năng chống giật (RCCB) bắt buộc phải lắp sau aptomat thường.
Chọn Aptomat theo số pha/số cực
Có một sai lầm phổ biến đó là bạn chọn Aptomat chống giật 3 pha (3 cực) lắp cho hệ thống 3 pha tải hỗn hợp (tải 1 pha, 3 pha, sử dụng trung tính) khiến chúng bị nhảy. Đối với tải 3 pha hỗn hợp phải dùng Aptomat chống giật 4 pha (hay còn gọi là 3 pha 4 cực, 3P + N). Đối với điện 1 pha (1 dây pha + 1 dây trung tính) phải dùng aptomat 2 pha (1 pha 2 cực, 1P + N). Loại Aptomat chống giật 3 pha 3 cực chỉ dùng được cho tải 3 pha 3 dây không có trung tính như các động cơ 3 pha.
Chọn CB chống giật theo dòng định mức
Tương tự như Aptomat thường, RCBO và ELCB chọn dòng định mức căn cứ vào công suất sử dụng tương tự như chọn Aptomat thường. Đối với Aptomat chống giật không bảo vệ quá tải RCCB thì chọn dòng định mức bằng hoặc lớn hơn dòng định mức Aptomat thường lắp cùng RCCB.
Chọn Aptomat chống giật theo dòng rò
Có 3 loại theo dòng rò phổ biến là 15mA, 30mA, 100/200/500mA. Đối với các hệ thống nhỏ, hệ thống điện dân dụng dùng Aptomat chống rò 30mA. Các hệ thống điện sản xuất công suất lớn thường dùng Aptomat chống rò 100/200/500mA.
Một số thương hiệu Aptomat chống giật phổ biến hiện nay
Trên thị trường hiện nay, một số hãng sản xuất Aptomat chống giật dùng cho điện 1 pha và 3 pha đó là:
- Aptomat chống giật RCCB, Aptomat chống dòng rò RCBO, ELCB hãng Mitsubishi.
- Aptomat chống giật RCCB, Aptomat chống dòng rò RCBO, ELCB hãng Schneider.
- Aptomat chống giật RCCB, Aptomat chống dòng rò RCBO, ELCB hãng LS.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cấu tạo, nguyên lý hoạt động và phương pháp chọn Aptomat chống giật. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có được những kiến thức bổ ích.