Cầu chì nhiệt là một linh kiện thường thấy trong các thiết bị điện hiện nay như nồi cơm điện, lò nướng, ấm điện siêu tốc,… Vậy chúng ta đã biết về cấu tạo, nguyên lý hoạt động và tác dụng của cầu chì nhiệt chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại linh kiện này.
Cầu chì nhiệt là gì?
Cầu chì nhiệt còn được gọi là Relay nhiệt, thiết bị cắt nhiệt là một linh kiện dùng để bảo vệ các thiết bị khỏi tình trạng quá nhiệt.
Như vậy, cầu chì nhiệt khác với cầu chì thông thường ở chỗ chúng bảo vệ thiết bị khỏi quá nhiệt. Trong khi cầu chì điện dùng để bảo vệ thiết bị khỏi quá dòng.
Cầu chì nhiệt chỉ phản ứng với nhiệt độ quá cao, không phải dòng điện quá mức, trừ khi dòng điện quá mức đủ để làm cho cầu chì nhiệt tự nóng lên đến nhiệt độ kích hoạt.
Các loại relay nhiệt được dùng rất phổ biến trong các thiết bị điện hiện nay, điển hình như trong nồi cơm điện, quạt điện, bàn là,…
Nguyên lý hoạt động của cầu chì nhiệt
Linh kiện này có nguyên lý hoạt động rất đơn giản như sau:
- Khi chưa bị quá nhiệt, lớp tiếp điểm bên trong cầu chì nhiệt sẽ được 2 lò xo đẩy để tiếp xúc chặt với nhau. Khi đó, dòng điện sẽ chạy trong mạch và thiết bị hoạt động bình thường.
- Khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng giới hạn của cầu chì nhiệt thì hạt dẫn nhiệt độ bị nóng chảy làm lò xo giãn ra. Điều này đẩy tiếp điểm cách xa nhau làm cho mạch bị ngắt.
Phân loại cầu chì nhiệt
Hiện nay, cầu chì nhiệt được sản xuất rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Chúng ta có thể phân biệt theo kiểu dáng từ những hình ảnh dưới đây.
Một số thông số kỹ thuật của cầu chì nhiệt đó là:
- TF 115, TF 240 là mức nhiệt tối đa mà cầu chì nhiệt đó chịu đựng được
- 220V là điện áp sử dụng
- 5A, 10A, 12A là dòng tải có thể chịu đựng được.
Các ứng dụng của cầu chì nhiệt
Mục đích sử dụng của cầu chì nhiệt thường là để cắt các thiết bị sinh nhiệt. Như tên gọi của nó, linh kiện này thường được tìm thấy trong các thiết bị điện sinh nhiệt như máy pha cà phê, nồi cơm điện, quạt điện, máy sấy tóc,…
Cầu chì nhiệt hoạt động như thiết bị an toàn để ngắt mạch điện tới bộ phận làm nóng trong trường hợp có sự cố (chẳng hạn như bộ điều nhiệt bị lỗi). Nếu không nhiệt độ sẽ tăng lên mức nguy hiểm, chập cháy làm hư hỏng thiết bị, thậm chí có thể gây ra hỏa hoạn.
Cách kiểm tra cầu chì nhiệt
Để kiểm tra cầu chì nhiệt còn hoạt động hay không thì bạn có thể sử dụng đồng hồ vạn năng. Chạm đầu dò bên phải của đồng hồ vạn năng với bên phải và đầu dò bên trái với bên trái cầu chì. Nếu kim đồng hồ vạn năng không di chuyển có nghĩa là cầu chì nhiệt đã bị đứt và không sử dụng được nữa.
Trong thực tế, còn tùy thuộc vào thiết bị, nếu bạn không có đồng hồ vạn năng, bạn vẫn có thể biết được cầu chì nhiệt có bị đứt hay không khi sử dụng trực tiếp thiết bị đó.
Ví dụ, nếu máy sấy và nó đang hoạt động, nhưng không làm nóng thì có thể là cầu chì nhiệt đã bị đứt để bảo vệ bộ phận làm nóng.
Trên đây là những thông tin về nguyên lý, ứng dụng và cách kiểm tra cầu chì nhiệt. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có được kiến thức bổ ích về linh kiện này.